Bắt
gặp cuốn sách trong một lần tình cờ, tôi bất chợt dấy lên cảm giác thích thú. “Trà hoa nữ”, cái tên thật lạ, cũng
thật thanh tao! Nó gợi cho người đọc một cảm giác muốn tìm tòi, chiêm ngưỡng và
trân trọng. Và quả thật… cuốn sách đã không hề làm tôi thất vọng!
Tôi
nói rằng kỹ nữ cũng có tình yêu - một tình yêu thuần khiết, bạn có tin không?
Tác
phẩm “Trà Hoa Nữ” đưa người đọc như được
trở về với nước Pháp lãng mạn những năm của thế kỷ XIX. Một chuyện tình buồn giữa
nàng kỹ nữ Marguerite Gautier và chàng luật sư Armand Duval.
Nàng
kỹ nữ Marguerite xinh đẹp, yêu kiều, có tâm hồn và cá tính, yêu hoa trà, nên
còn được nhiều người gọi với cái tên Trà Hoa Nữ. Nàng được tác giả ưu ái để
dành cho những từ ngữ xinh đẹp mĩ miều, chẳng suồng sã mà vô cùng ý nhị: “không dễ gì có thể tìm thấy được một sắc đẹp
mê hồn như sắc đẹp của Macgơrit… Trên khuôn mặt trái
xoan duyên dáng không thể tả, bạn hãy đặt lên đó một cặp mắt đen long lanh dưới
đôi lông mày vòng cung, nét sắc như vẽ. Hãy giảm nhẹ sóng mắt bằng những hàng
mi dài; và những hàng mi này, mỗi khi hạ xuống, toả râm phơn phớt trên sắc hồng
của đôi má. Hãy vẽ một cái mũi thon nhỏ, thẳng nét, thông minh, với lỗ mũi hơi
nở nang như để thu hút sức nồng cháy của cuộc sống nhục dục. Hãy hình dung một
cái miệng đều đặn, với đôi môi duyên dáng nở trên những chiếc răng trắng như sữa.
Hãy tô màu da với những sợi tơ nhung, thứ tơ nhung trông thấy trên một trái đào
mà chưa một bàn tay nào động đến. Và như thế, bạn sẽ ý thức được toàn thể cái đầu
duyên dáng sang trọng đó.”
Giữa
cuộc sống phồn hoa cùng vô số những miệt thị xã hội dành cho những “kỹ nữ”,
Marguerite lại khiến người đọc ngưỡng mộ và yêu thương. Bên cạnh đó, chàng
Armand si tình, ban đầu chỉ vì si mê nhan sắc của Marguerite, nhưng rồi, khi hiểu
được nàng và
bi kịch của cuộc đời nàng, chàng yêu nàng hơn hết tất cả mọi thứ.
Marguerite
với lối sống xa hoa giữa một
Paris tráng lệ đầy những cám dỗ, đắm
chìm trong những cuộc ăn chơi, váy lụa đắt tiền và... từ tiền chu cấp của những quận công
phải lòng nhan sắc nàng. Bệnh tật khiến
nàng hao mòn và nhận thức rõ ràng về cuộc sống phù phiếm, về cái chết đang chờ
chực mình bất cứ lúc nào,… Bởi vậy, nàng bất cần!
Thế
nhưng, khi người con gái ấy biết yêu, nàng sẵn sàng bỏ hết mọi thứ, cầm cố hết
những gì mình có, chỉ để mong sống những tháng ngày an yên với Armand tại một
vùng quê.
Cái
đáng buồn ở đây là xã hội lúc bấy giờ! Họ chẳng thể chấp nhận nổi một cô "gái điếm", họ
cũng chẳng tin vào một chuyện tình thuần khiết của một kỹ nữ. Có chăng, chỉ là
nàng đang phá hoại đi cái danh dự của cả gia đình người mình yêu.
Với
tôi, Armand là người tốt, nhưng cũng là một chàng trai tồi. Chàng có thể yêu
say đắm Marguerite, nhưng lại không thể thấu hiểu cho những hi sinh và tình yêu
cao cả của nàng. Chàng đấu tranh cho tình yêu đời mình, nhưng lại chẳng thể đấu
tranh tới cùng. Để rồi chính chàng là người giày vò Marguerite, đẩy nàng vào
tình trạng bệnh tật ngày một nặng hơn và… nàng ra đi trong đơn độc. Suy cho cùng,
ai mới là tác nhân cho nỗi bất hạnh đấy?
Những
dòng nhật ký cuối cùng của Marguerite như khiến độc giả thương cảm với một cô
nàng kỹ nữ đáng thương, đang
khao khát một tình yêu mãnh liệt:
“Nói cho cùng không phải
lúc nào người ta cũng luôn luôn khốn khổ. Khi em nghĩ, có thể em sẽ không chết,
anh sẽ trở về, em lại được nhìn thấy mùa xuân, anh vẫn yêu em, và chúng ta lại
bắt đầu cuộc sống của chúng ta như năm trước.
Em điên mất rồi! Em
đang chỉ còn đủ sức để cầm bút viết cho anh cái giấc mơ không nghĩa lý đó của tâm hồn em.
Dù sao đi nữa, em vẫn
yêu anh rất nhiều, anh Acmand ơi. Em đã chết từ lâu, nếu không được cứu vớt bởi
kỷ niệm của tình yêu đó và bởi một kỷ niệm mơ hồ được gặp lại anh bên cạnh em.”
........
“Chúng ta đã sống
sáu tháng với nhau. Em đã yêu anh bằng tất cả tình yêu mà trái tim người đàn bà
có thể chứa đựng và ban phát. Nay anh ở xa, anh nguyền rủa em. Và em không nhận
được một lời an ủi nào từ anh cả. Định mệnh đã tạo nên sự chia lìa giữa chúng
ta. Em
tin chắc thế. Bởi vì, nếu anh có ở Paris, anh sẽ không rời khỏi giường em và
căn phòng của em.”
Bằng
ngòi bút tinh tế của mình, tác giả đã khắc họa nên một nàng kỹ nữ đẹp nghiêng
nước nghiêng thành, nhưng không suồng sã. Một cái chết bi thương đã được tiết lộ
từ những trang đầu của cuốn sách. Thế nên, đọc tác phẩm, chính là gặm nhấm từ từ
một nỗi đau về một số phận bất hạnh, về một xã hội đầy rẫy những quy tắc, mà
tình yêu phải nhường chỗ cho thanh danh.
Hình
ảnh đáng nhớ nhất với tôi có lẽ là ngôi mộ Marguerite cô đơn, trải đầy những bông
hoa trà, tinh khiết và mộc mạc, như chính con người nàng vậy! Một hình ảnh day
dứt, khiến trái tim tôi như chẳng thế nghỉ ngơi trong từng tình tiết của cuốn
sách này… Giống như tác giả nói: “Thiên
đàng chắc hẳn sẽ không vui mừng khi chỉ đón tiếp những con người ngoan đạo.
Thiên Chúa sẽ vui mừng gấp đôi khi đón nhận những con người lầm lạc trở về. Và
nhiệm vụ của chúng ta là hãy đánh thức họ để họ quay về đường ngay bằng chính
tình yêu thương của ta.”
Nếu
bạn cũng tò mò về cuốn sách, hãy thử tìm và đọc nó. Cuộc sống này có rất nhiều
góc khuất, mỗi góc khuất đều có những nét đẹp tinh tế mà bạn sẽ phải ngỡ ngàng
khi phát hiện ra chúng!
Hương Trà
Không có nhận xét nào