Cuốn sách viết về trẻ em khiến người lớn cũng phải rùng
mình.
Sách viết về cuộc chiến sinh tồn hiện nay
không ít, thế nhưng sẽ ra sao nếu đó là cuộc chiến của...những đứa
trẻ còn chưa đủ tuổi thành niên?
Câu chuyện bắt đầu bằng chiếc máy bay
chở đám trẻ người Anh đi di tản trong Thế chiến thứ 2 gặp trục trặc
và rơi xuống một hòn đảo không người. Tưởng chừng như đó là
thiên đường đối với bất kỳ đứa trẻ nào khi không có người lớn,
không có bài tập và trường học, chỉ có bạn bè và những cuộc vui
bất tận; thế nhưng, nó nhanh chóng trở thành địa ngục khi lũ trẻ
bắt đầu chia thành hai phe đối đầu lẫn nhau và đỉnh điểm là lúc những
cuộc săn thú biến thành săn người.
Ranh giới mong manh giữa THIỆN và ÁC
William Golding đã “viết lại” quan điểm về
thế giới, khiến tất cả chúng ta phải đặt câu hỏi, liệu có thực sự
“Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Ông đưa đến người đọc một góc nhìn
hoàn toàn khác, một câu chuyện vô cùng khốc liệt, t rong thế giới
đó, những đứa trẻ cũng biết trộm cắp, dối trá, lật lọng, bắt
nạt, biết sử dụng những phương thức bạo lực kinh khủng nhất để
đạt được mục đích, cho dù có phải tàn sát lẫn nhau. Chúng có thể
làm tất cả những gì người lớn dám thực hiện, thậm chí còn man rợ
hơn vì chúng chưa đủ lớn để nhận thức về hậu quả của những việc
làm đó.
William Golding lật ngược quan điểm vốn có
của thế giới “Nhân chi sơ, tính bản ác”? William Golding đưa ra quan
niệm rằng con người khi sinh ra đều là những tạo vật tội lỗi. Nếu
không được giáo dục tử tế, không được dạy dỗ cho biết về ranh
giới giữa cái đúng và cái sai, chúng ta sẽ chọn một con đường đầy
tội lỗi.
Cuốn sách là một phép thử.
Khi ta đem một đám trẻ con lên một đảo
hoang và xem chúng sẽ đi theo hướng nào? Sẽ cư xử theo những bản
năng cơ bản nhất hay tiếp tục theo cái cách mà chúng đã được giáo
dục trước đây? Ban đầu, chúng vẫn còn phần NGƯỜI khi Jack chần chừ
không hạ lưỡi dao xuống con lợn rừng: "Chúng hiểu rất rõ tại sao Jack đã không làm thế: vì sự
bại hoại đi kèm với lưỡi dao đâm xuống thọc vào thịt sống, vì máu
là thứ không chịu đựng nổi.". Là khi Roger không dám ném
thẳng hòn đá vào đứa bé đang chơi một mình:“Viên đá, dấu hiệu của thời kì mông muội, rơi xuống nước,
bên phải Henry khoảng năm mét. [...] Trên đảo này, những điều cấm
kỵ ở quê nhà vẫn sâu đậm, dẫu không lộ rõ. Thằng bé đang ngồi
xổm kia được cha mẹ, nhà trường, cảnh sát, luật lệ che chở. Một
nền văn minh bị tàn phá và không biết gì hết về sự hiện hữu của
Roger đã níu lấy nó.”
Thế nhưng dần dần, phần CON dần chiếm
giữ tâm hồn của mỗi đứa trẻ bởi chúng nhận ra cơ hội để được
quay lại “thế giới loài người” trước
kia ngày một mong manh.
Đó có thể là trò giả lại trận bắt lợn
nhưng đứa nào cũng trở nên điên cuồng, nhẫn tâm cầm lao xông tới
để rồi giết chết Simon - kẻ lỡ bước lạc vào trận địa - bất chấp
lời van xin. Đó là khi hòn đá được chủ tâm bẩy xuống xéo nát
chiếc tù và rồi bẩy tung Piggy lên trời. Đó là khi tất cả chúng,
kể cả những đứa đang đứng chấp chới trên ranh giới thiện – ác như
Sam và Eric nhưng vì sợ hãi mà phải tham gia vào cuộc săn người để
giết Ralph – sinh vật ngoại lai không thuộc bầy còn lại.
Và rồi cuối cùng, như để chấm dứt cơn
ác mộng của bọn trẻ, viên sĩ quan hải quân xuất hiện bên bờ biển
trước cặp mắt hoảng hốt, tuyệt vọng tột độ của Ralph.
“Chơi vui quá hả?”
Trong
mắt người lớn, đó chỉ là trò đùa của những đứa trẻ ngây thơ vô
tội bởi biển đã xóa đi dấu vết về cái chết của Simon, của Piggy,
để phần còn lại của câu chuyện như một điều không tưởng. Giây
phút ấy, Raph đã khóc “khóc thương
cho sự ngây thơ đã chết và lòng dạ đen tối của con người” - mà
thương thay là chính những đứa trẻ.
Cơn ác mộng của bọn trẻ bị thiêu rụi
cùng với hòn đảo, thế nhưng chờ đợi chúng ngoài kia, là thế giới
khủng khiếp gấp triệu lần, thế giới của người lớn, thế giới của
cuộc chiến tranh nguyên tử. Nơi đó, tội ác, luôn hiện hữu xung quanh
mỗi con người, như một loài ruồi bọ gớm ghiếc:
“Tụi bay cứ tưởng ác thú là cái gì tụi bay có thể săn và
giết được. Mày biết phải không nào, rằng ta là một phần của bọn
bay? Một phần rất gần gũi, rất gần gũi, gần gũi lắm!”
Tinop
Không có nhận xét nào