Cuốn
sách “Cửa tiệm thời gian” kể về cô bé Yooh Ah,
đang học lớp 5. Trong xã hội Hàn Quốc, những đứa trẻ không lớn lên với những
câu chuyện cổ tích, những trò chơi tuổi thơ hay những cánh diều và buổi chiều
chăn trâu. Thay vào đó, chúng lớn lên với những bài tập, và những áp lực thi cử
từ gia đình và xã hội. Cô bé Yooh Ah cũng không nằm ngoài vòng tròn ấy. Giữa
lúc chạy đua với thời gian để đến kịp lớp học thêm sau giờ học, như một phép
màu, một tờ rơi về một cửa hàng rao bán thời gian đập vào mắt em. Thời gian? Đó
chẳng phải là thứ em và tất cả các bạn của em đang cần nhất lúc này hay sao.
Nhưng đổi lại, mỗi lần muốn mua 10 phút thời gian em sẽ phải từ bỏ một ký ức hạnh
phúc của mình. Bắt đầu từ việc mua thời gian để kịp buổi học thêm, đến việc trả
đũa đứa bạn mà em ghét,
đến cả việc tệ nhất là sao chép bài người khác. Những ký ức hạnh phúc với mỗi
người không hẳn là ít nhưng như một liều thuốc gây nghiện, càng mua thời gian,
những ký ức hạnh phúc của Yooh Ah dần biến mất thay vào đó là “cảm giác như có một cơn gió quét qua tâm
trí, để lại một khoảng trống to đùng trong lồng ngực” sau mỗi lần bán ký ức
lấy thời gian.
Trước
khi nói về những ký ức hạnh phúc, tôi cảm
thấy đau xót trước những áp lực mà một đứa trẻ như
Yooh Ah đang phải trải qua.
“Được
mệnh danh là con phố học thêm, nên suốt dọc hai bên đường, các trung tâm dạy học
mọc lên san sát. Cứ thế hòa vào đám đông, vừa đi tôi vừa có cảm giác mình đang
bước lên một băng chuyền sản xuất, khi mà các sản phẩm tốt nhất được tạo ra bằng
cách lắp ráp các linh kiện cần thiết lại với nhau. Cảm giác như tôi cũng đang
được sản xuất thành một đứa trẻ học giỏi. Nếu như vậy thì tôi tuyệt đối không
muốn trở thành thứ sản phẩm kém chất lượng đâu.”
Không
riêng gì ở Hàn Quốc, ngay tại Việt Nam ngày nay cũng không khó để bắt gặp những
hình ảnh như thế. Những đứa trẻ phải ngày ngày chạy hết lớp học thêm này tới lớp
học thêm khác, cố gắng đạt được giải thưởng này học bổng nọ. Tất cả đều vì một
tương lai màu hồng được gia đình tô vẽ mà có lẽ đến ngay chính bản thân các em
cũng không thể hình dung nên được. Những áp lực của người lớn đôi khi con trẻ không thể hiểu,
chỉ biết học thật giỏi để bố mẹ vui lòng. Nhưng liệu những người bố, người mẹ có thể hiểu cho những
đứa trẻ đáng thương như Yooh Ah? Nhìn những khuôn mặt mệt
mỏi và cô đơn, gia đình hiếm khi có một bữa ăn quây quần để cùng nhau tạo những
kỷ niệm. “Thức ăn dù ngon đến mấy cũng cần có người ăn cùng thì mới cảm nhận
được vị ngon”.Thật sự cái gọi là tương lai tươi sáng cho các con mà bậc phụ
huynh mong muốn là gì? Là đạt top 1,
nhưng xung quanh không một người bạn.
Là vào trường đại học
top đầu nhưng không hiểu mình muốn làm gì sau này?
Yooh
Ah đã phải đổi một cái giá không hề nhỏ cho lựa chọn của mình. Cô bé thậm chí
không thể nhớ nổi
những kỷ niệm cùng bố của mình
trong những ngày tháng cuối cùng của bố ở bệnh viện, không thể
nhớ nỗi tiếng gọi “cún con” của bà và cũng không thể nhớ được món quà tình bạn
của em với người bạn thân. Để sửa chữa, em đã thực hiện một giao kèo khác là
bán thời gian để lấy lại ký ức, nhưng em quên mất trong giao kèo không bảo là
“ký ức của ai”. Trên đời này, có hai thứ không bao giờ lấy lại được, đó chính
là thời gian và những kỷ niệm. Một khi đã qua đi, chỉ có thể để yên như thế. Ta
càng can thiệp, mọi thứ lại càng hỗn loạn.
“Tôi
đã chạy đua tới vị trí số một. Tôi đã tin rằng nếu đứng thứ nhất mình sẽ hạnh
phúc. Tin rằng nếu đứng thứ nhất thì cả trong tương lai mình cũng sẽ hạnh phúc.
Tôi
muốn thấy mẹ cười. Tôi muốn được mẹ khen ngợi.
Vì
vậy tôi đã mua thời gian. Tôi nghĩ rằng những thứ như ký ức hạnh phúc trong quá
khứ chẳng có gì quan trọng. Nhờ vậy tôi đã đứng thứ nhất toàn trường. Nhưng
càng mua thời gian tôi lại càng sợ hãi như thể bị nhốt trên một hòn đảo cô lập.
Nghĩ lại thì phải có những quãng thời gian trong quá khứ mới có tôi của bây giờ.”
Tôi
không ghét mẹ của Yooh Ah, vì nếu tôi làm thế, có lẽ tôi sẽ ghét gần như tất cả
bà mẹ trên thế giới này mất. Có lẽ Yooh Ah cũng biết như thế. Ở mẹ Yooh Ah, tôi
nhìn thấy hình ảnh một người phụ nữ đang cố tỏ ra thật mạnh mẽ để gồng gánh tất
cả những áp lực từ khi người chồng không may qua đời. Cô cũng có những giây
phút bất lực, mệt mỏi, chán nản, cô đơn. Nhưng trong vai một người mẹ, tất cả
những điều đó không thể thể hiện trước mặt con gái. Cô phải đối mặt với nỗi sợ
lái xe, tình nguyện làm thêm giờ, tăng ca đến tận tối muộn chỉ mong Yooh Ah có
thể có điều kiện tốt nhất để học tập, công việc mà theo cô, “là dễ nhất rồi
mà”. Nhìn khuôn mặt cô sáng lên lúc được đồng nghiệp tặng cho một cuốn luyện
đề Toán khó mà mua được, lúc Yooh Ah đứng đầu trường… thật khó mà giận được tấm
lòng của một người mẹ như thế. Nhưng chỉ là tôi không hiểu, tất cả những điều
đó là vì Yooh Ah hay vì để thỏa mãn những áp lực trong lòng của người mẹ?
“Cửa tiệm thời
gian”
không chỉ là một cuốn sách dành cho thiếu nhi, mà nó dành cho mọi người. Chúng
ta sẽ trở thành một người con như thế nào, sẽ trở thành một người bố người mẹ
như thế nào? Có lẽ sau khi đọc xong cuốn sách này mỗi người
sẽ tự tìm được câu trả lời cho chính mình.
Mai Sương
Không có nhận xét nào