Nhà
văn Nguyễn Nhật Ánh quả thực là một cây bút nội lực bậc nhất trong số các tác
giả đương thời trên văn đàn Việt Nam. Những câu chuyện về thời niên thiếu, về
tình yêu trong trẻo và nên thơ mà ông dệt nên trong trang sách luôn là nguồn
cảm hứng bất tận để độc giả được trở lại một thời quá vãng vàng son. Và có lẽ,
“Ngày xưa có một chuyện tình” cũng là một cuốn sách đong đầy những ký ức thật
đẹp…
Cuốn sách chứa đựng nhiều chiêm nghiệm về
cuộc đời
“Ngày
xưa có một chuyện tình” là câu chuyện về cuộc tình tay ba giữa
Miền, Vinh và Phúc. Ba người bạn bên nhau từ thuở ấu thơ, cùng lớn lên và chứng
kiến biết bao sự đổi thay, trưởng thành. Vinh yêu Miền
bằng thứ tình yêu trong sáng và cao thượng. Cậu nguyện nhận lấy giông bão để
đổi lại cho Miền một cuộc đời bình an. Miền và Phúc yêu nhau bằng một tình yêu
mãnh liệt và bản năng như bao người trẻ đã từng. Để rồi, có những cuộc chia tay
để lại biết bao luyến tiếc. Có những sự quay về đánh thức những cơn bão giằng
xé trong tâm can.
Nguyễn Nhật Ánh rất tài tình trong việc xen cài những
triết lý tình yêu vào trong câu chuyện đời rất thật. “Ngày xưa có một chuyện tình”
chứa đựng rất nhiều trích dẫn hay và thấm thía ở từng hoàn cảnh, nhân vật khác
nhau. Dưới lăng kính của từng nhân vật, tác giả khéo léo đưa vào những chiêm
nghiệm sâu sắc mà mình đã từng trải qua: “Trái
tim có ngữ pháp riêng của nó và trong hệ thống ngữ pháp rối rắm và đầy tính mờ
đục đó, “yêu” là một động từ bất quy tắc”, hay “Để đến được những thảo nguyên bình yên, đôi khi con người ta buộc phải
leo qua những đỉnh núi cao trong lòng mình”.
![]() |
“Để đến được những thảo nguyên bình yên, đôi khi con người ta buộc phải leo qua những đỉnh núi cao trong lòng mình” |
Đôi lúc, độc giả cũng phải bật cười khi lần theo từng trang
sách lại bắt gặp những triết lý thật hài hước nhưng không kém phần sâu sắc: “Với tôi, tình yêu chẳng liên quan gì đến lý
trí. Lý trí không biết yêu. Giống như cảnh sát giao thông, lý trí chỉ có nhiệm
vụ theo dõi và uốn nắn con tim – với cái còi lúc nào cũng lăm lăm trên miệng.
Và con tim, như lịch sử nhân loại đã chỉ ra, lắm khi vượt đèn đỏ hoặc đi vào
đường một chiều…”.
Trong cuốn sách nhỏ này, dường như mỗi trang sách đi qua
đều có thể đọng lại những trích dẫn vô cùng thấm thía. Có lẽ vì thế mà ấn tượng
về “Ngày
xưa có một chuyện tình” mới thật sự sâu sắc và khó quên.
Bước đột
phá trong tạo hình nhân vật
Một điểm sáng nữa trong “Ngày xưa có một chuyện tình”
chính là bước tạo hình nhân vật mang tính đột phá của Nguyễn Nhật Ánh. Tôi rất
thích cách tác giả tạo ra nhân vật Phúc, một trong ba nhân vật chính của cuốn
sách này. Phúc là tuýp người đẹp trai, thông minh, hào hoa và lãng tử. Quả
thực, đây chính là một hình tượng đàn ông lý tưởng trong lòng phái đẹp.
Trong tình yêu, Phúc thật thà, nồng nhiệt và mạnh dạn.
Anh để chuyện tình cảm trôi theo một cách tự nhiên như cảm xúc tuôn trào. Phúc
ít bị chi phối bởi lý trí. Chính chi tiết này khiến độc giả cảm nhận được nhân
vật này thật sự rất phá cách trong những nhân vật nam từ trước đến nay mà
Nguyễn Nhật Ánh đã tạo dựng. Và tất nhiên, chính cách yêu thương đầy bản năng
và liều lĩnh của Phúc đã tạo ra những bước ngoặt đột phá không ngờ cho mạch
truyện tiếp theo.
Bài hát
đẹp về tình yêu
Nói không ngoa khi cho rằng “Ngày xưa có một chuyện tình”
là một bản tình ca rất đẹp ca ngợi tình yêu. Những câu chuyện mà Nguyễn Nhật Ánh
đã từng viết thường kể về những mối tình đầu đậm sâu không thể phai màu. Những
nhân vật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh thường rung động từ khá sớm và luôn ôm ấp
tình yêu của mình một cách chung thuỷ, sắt son đến mức cảm thương, tội nghiệp.
Và “Ngày xưa có một chuyện tình” vẫn là một câu chuyện như thế.
Khi đọc nửa sau của truyện, độc giả chua xót khi nhìn
thấy Vinh – nam chính tội nghiệp và khù khờ vì tình – luôn chọn lựa những sự
đau khổ về bản thân, đau khổ đến tội nghiệp. Tất cả cũng chỉ tại một chữ yêu.
Trong lòng độc giả có thể dâng lên cảm xúc giận, giận Miền, giận Phúc hay là
giận tác giả vì đã đẩy cả ba nhân vật chính vào tình cảnh hết sức trớ trêu.
Thế nhưng, đến khi khép lại cuốn sách, tôi nhận ra rằng
khi trái tim đã lỡ thổn thức vì một ai đó quá sâu đậm, chuyện hành động một
cách mù quáng mà khước từ đi lý trí âu cũng là điều khó tránh khỏi. Tình yêu
của Miền vốn dĩ đã ngủ yên từ lâu, nay khi Phúc trở về lại bùng lên và cháy rực
như ngọn lửa. Tình yêu đó mạnh mẽ đến mức cô quên mất đi mình còn mang ơn một
tình yêu quá cao thượng và vị tha của Vinh. Giờ đây, Miền lựa chọn lối rẽ nào
đi chăng nữa cũng sẽ là bi kịch. Vinh hay Miền hay Phúc, tất cả đều đáng
thương.
Khi
đọc đến những trang cuối cùng, tôi những tưởng đã không còn dũng khí đọc hết.
Và tôi thực sự lo sợ rằng nếu kết thúc của cuốn sách này là những bi kịch thì
sau này tôi sẽ chẳng còn có thể đọc bất kỳ cuốn sách nào của Nguyễn Nhật Ánh
nữa.
Thật sự rất may, đến bây giờ tôi vẫn đang chờ đợi những cuốn
sách mới từ Nguyễn Nhật Ánh, bởi một lẽ rất đơn giản cũng chính là kết thúc của
câu chuyện này:“Giải thưởng của tình yêu chính
là tình yêu”
Thuý Hiền
Không có nhận xét nào