Ngay
lần đầu tiên nhìn thấy cuốn này tôi đã rất ấn tượng với tựa đề. Ngừng
lại trước kệ, tôi cầm cuốn sách lên, ngây ra mất vài phút rồi tự hỏi: “Ừ
nhỉ, đã bao lâu rồi tôi chưa hôn bố mẹ, chưa nói với bố mẹ rằng tôi yêu họ rất
nhiều”. Có lẽ là từ lâu lắm rồi!
Những
cuốn sách về gia đình, nó luôn làm tôi có rất nhiều cảm xúc. Đặc biệt, khi càng
lớn, tần suất được ở bên gia đình ngày càng ít lại, tôi lại càng trân quý những
giây phút được đọc về những tình cảm nơi đầy bình yên ấy. Mỗi lần có dịp được
cầm trên tay một cuốn sách ấn tượng về chủ đề tình cảm gia đình, như một thói
quen, tôi sẽ tạm bỏ hết các công việc khác lại, và chỉ đọc nó. Một thói quen
thật khác người nhưng đó là cách tôi cảm thấy mình được gần với gia đình một
chút.
Cuốn sách “Bạn đã bao giờ hôn bố mẹ chưa?” của tác giả Võ Thu Hương là
tập hợp những câu chuyện nhân văn trong mối quan hệ giữa người với người, đặc
biệt là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. “Bạn đã bao giờ hôn bố mẹ chưa?”
bao gồm 46 câu chuyện ngắn, được sắp xếp khéo léo trong
ba chương sách: “Tình yêu ban sơ”, “Dáng hình tình yêu” và “Tình yêu dài, rộng
bao xa?” Lật
giở từng trang sách hay tôi đang lật giở chính những trang ký ức mà bấy lâu nay
mình vô tình bỏ quên vào một ngăn nào đấy. Những câu chuyện gợi nhớ những gì
thân thương nhất, bình dị nhất bên cha mẹ mà cuộc sống trưởng thành đã làm ta
lãng quên. Đó là mùi vị món ăn mẹ nấu, mùi mái tóc mùi bồ kết của mẹ, hay cú
ngã khi lần đầu tiên con đạp xe về phía bố,... Tất cả chất liệu trong cuốn sách
được lấy từ chính cuộc sống nên chúng ta ai cũng có thể nhìn thấy một phần hình
ảnh của mình trong đó.
“Bạn
vẫn thích mỗi lần về nhà sẽ tìm củi nhóm lửa lên, đun ấm nước sôi hoặc ủ trấu
kho nồi cá. Xong xuôi, ngồi ở chiếc ghế mòn vẹt này nghe gà cục tác, khế rụng
lộp bộp (cạnh bếp là cây khế bốn mùa trĩu quả). Chờ bố mẹ và mọi người về đầy
đủ sẽ dọn mâm cơm váng vất mùi khói bếp lên ăn.
Buổi
chiều, đứng từ bếp lửa nhìn ra, ánh nắng chiếu từ đằng Tây xuyên qua chỗ chiếc
ghế, bỗng thấy dấu vết thời gian, ký ức tuổi thơ lung linh một cách lạ kỳ. Như
thể chiếc ghế ấy là ô của thời gian mang sắc màu cổ tích, có thể gọi về bao kỷ
niệm.”
Cuốn
sách được dẫn dắt bằng một giọng kể chuyện tự nhiên, nhẹ nhàng, khoan thai và
giàu xúc cảm. Từ một người con, lớn lên, lập gia đình và quay trở lại làm mẹ,
tác giả chứng kiến những ngây ngô của đứa con gái nhỏ. Từ đó nhìn thấy những hình
ảnh xưa cũ của chính mình, thấy được những hy sinh mà bố mẹ đã dành cho ta
thông qua hình ảnh cô con gái nhỏ. Những kỷ niệm ngày xưa cũng ùa về và làm nên
nguồn cảm hứng cho cuốn sách. Chính bởi những chất liệu quen thuộc cùng giọng
kể chuyện tự nhiên ấy mà “Bạn đã bao giờ hôn bố mẹ chưa?” đã chạm tới
những rung cảm khẽ khàng nhất vốn được ẩn sâu trong lòng mỗi người.
Giữa
cuộc sống hối hả ngày nay, có bao giờ bạn dừng lại và hỏi mình rằng tình cảm
dành cho bố mẹ của chúng ta là bao nhiêu không? Hay cuộc sống tất bật đã cuốn
bay mất những giây phút sum họp bên gia đình, rút ngắn những chuyến về thăm quê
nhà, thăm bố mẹ. Rồi bạn sẽ nhận ra, thời gian bạn hối hả quay cuồng ngoài kia,
bố mẹ bạn đã già đi và có thể sẽ không chờ được lời hứa sẽ chăm lo cho bố mẹ
của bạn.
“Một
lần anh tình cờ cầm máy ảnh qua nhà tôi, ngay khi cành đào Tết đang rộ nở đã
chụp giùm một bức ảnh. Bức ảnh ấy có cả bố, mẹ và con vì cũng rất tình cờ đó là
lúc đang rỗi rãi ngồi uống trà. Ngày tết nên không ai bận bịu gì. Tôi không bao
giờ nghĩ đó là khoảnh khắc duy nhất bên bố và mẹ được lưu giữ lại. Một cơn bạo
bệnh cướp mẹ tôi đi rất nhanh. Nhanh đến chóng mặt…”
Cuốn sách
này sẽ là một món quà dành tặng cho bố mẹ và chính bạn, những người bố mẹ tương
lai. Để mỗi chúng ta có những giây phút lắng đọng, cùng chìm đóng trong những
kỷ niệm của tác giả hay chính trong những ngày xưa cũ của chính mình. Để mà
nhớ, mà thương mà biết ơn những tình cảm mà đấng sinh thành đã dành cho ta.
Cuộc
đời này, còn bao nhiêu lần nữa ta được nằm trong vòng tay cha mẹ, nằm trong
những yêu thương xưa cũ… vậy mà ta vẫn lỡ một nụ hôn với mẹ cha…
Mai Sương
Không có nhận xét nào