“Thầy Harfan
và cô Mus đã mang đến cho tôi tuổi thơ đẹp nhất, tình bạn đẹp nhất, và tâm hồn
phong phú, một thứ gì đó vô giá, thậm chí còn có giá trị hơn những khao khát mơ
ước. Có thể tôi lầm, nhưng theo ý tôi, đây thật sự là hơi thở của giáo dục và
linh hồn của một chốn được gọi là trường học”.
Đã có những lúc tôi chán ghét trường học. Tôi ghét bị thầy
cô gọi lên kiểm tra bài. Tôi ghét việc phải hoàn thành bài tập. Tôi vui sướng
khi nghe tin một thầy cô nào bị ốm và chúng tôi được nghỉ ở nhà. Tôi đã từng
như vậy cho đến khi lật dở từng trang sách “Chiến binh cầu vồng” của Andrea
Hirata. Tâm hồn tôi như một mảnh đất khô cằn vừa được tưới mát.
“Chiến binh cầu vồng” là một câu chuyện viết về giáo dục sâu sắc và đẹp đẽ. Câu
chuyện về một trường học nghèo mang tên Muhammadiyah tại hòn đảo Belitong của đất
nước Indonesia. Hòn đảo giàu có nhất, trù phú nhất nhưng lại có sự khác biệt
sâu sắc nhất về cuộc sống giữa hai tầng lớp cư dân giàu - nghèo sống trên đảo. Một
bên là những nhân viên của công ty khai thác thiếc nhà nước, sống giàu có và
tách biệt. Ngày nhập học của các ngôi trường ở đây đông vui, nhộn nhịp với những
dãy xe hơi đắt tiền và các lớp học đầy đủ tiện nghi. Đối nghịch với họ, bên kia
là những dãy nhà ổ chuột của các tầng lớp thấp hèn hơn - những cư dân Belitong
Mã Lai. Họ làm culi, làm thợ nạo dừa, làm ngư dân đánh cá. Họ rất nghèo. Một
tháng lao động mệt mỏi chỉ được vỏn vẹn 12 đô la cho một gia đình tối thiểu gồm
2 vợ chồng và 7 đứa con nhỏ.
“Vị thần được
tôn thờ không ai khác hơn chính là địa vị xã hội, cái địa vị được xây trên nền
tảng của sự phân biệt đối xử đối với những cư dân bản xứ nghèo khổ”.
Có lẽ chỉ những nơi mà các cô bé, cậu bé oằn mình dưới
gánh nặng nghèo khổ, dốt nát thì ước mơ được đến trường mới thực sự cháy bỏng.
Ngôi trường Muhammadiyah siêu vẹo, nghiêng ngả đến nỗi tưởng như một cơn gió thổi
ngang qua sẽ đổ, lại là nơi gieo mầm và nuôi dưỡng niềm vui đến trường ấy.
“Từ giấy phút ấy
trở đi, chúng tôi không bao giờ phàn nàn về điều kiện vật chất ngôi trường nữa.Có
lần, trời mưa tầm tã, sấm chớp đì đùng hết đợt này đến đợt khác.Trời mưa như
trút nước xuống lớp học chúng tôi. Đứa nào đứa nấy cứ ngồi im ngay tại chỗ,
không nhúc nhích một li. Chúng tôi không muốn cô Mus phải ngưng bài giảng nửa
chừng và cô Mus cũng không muốn ngưng dạy nửa chừng. Chúng tôi ngồi học tay cầm
dù. Cô Mus che đầu bằng một tàu lá chuối.Đó là buổi học đáng nhớ nhất trong cả
đời tôi. Bốn tháng tiếp theo đó trời mưa không ngớt, nhưng không đứa nào bỏ học
lấy một buổi, không một đứa nào, và cũng không đứa nào mở miệng than phiền, nửa
lời cũng không”.
Và từ Muhammadiyah, trí tuệ, tình yêu tỏa sáng tựa
như ánh đèn màu xanh lộng lẫy nơi những mỏ thiếc đã thắp sáng đảo Belitong. Là
Lintang với sự am hiểu thiên phú về toán học và khoa học tự nhiên. Là Mahar với
phức cảm trời sinh về nghệ thuật và âm nhạc. Mười đứa trẻ, mười hoàn cảnh, mười
câu chuyện khác nhau nhưng chúng đều có điểm chung - khát khao được đến trường.
Những đứa trẻ ấy học theo đúng nghĩa của nó là học hỏi chứ không học cho có,
cho xong.
Giáo dục cần những người thầy truyền cảm hứng
Đó là những người giáo viên như cô Mus và thầy Harfan.
“Cô giáo Mus
và thầy hiệu trưởng Harfan đúng là những người yêu nước đích thực mà không hề
được tặng thưởng bất kỳ một huy chương danh dự nào. Hai con người ấy vừa là thầy
cô giáo, vừa là bạn bè, vừa là những người dẫn dắt tinh thần để chúng tôi luôn
đi đúng hướng”.
Người cô, người thầy nghèo khổ đã đem đến cho những đứa
trẻ tuổi thơ đẹp đẽ và cả tâm hồn phong phú. Một điều gì đó vô giá thậm chí còn
có giá trị hơn cả những khát khao và ước mơ.
“ Giáo dục hiện
hành không còn giữ quan điểm về học tập như thầy Harfan trước đây nữa – kiến thức,
chính là chân giá trị, và giáo dục chính là sự ca tụng Đấng Tạo Hóa. Học không
phải phương tiện để thăng tiến, kiếm tiền hay làm giàu. Thầy xem học tập là ca tụng nhân bản, là thanh cao, là niềm vui khi cắp
sách đến trường và là ánh sáng văn minh. Trường học ngày nay không còn là nơi để
xây dựng nhân cách, mà là một phần của kế hoạch tư bản làm giàu và nổi tiếng, để
khoe khoang học vị và có quyền lực”.
Khó khăn tạo ra nhân tài
Ở ngôi trường bé xíu và vỏn vẹn 10 học sinh ấy, người ta
không mường tượng được rằng Lintang và Mahar đã trở thành những viên ngọc quý
khiến trường Muhammadiyah vượt mặt những đối thủ bên cạnh. Trong sự tồi tàn,
nghèo đói đến tột cùng, những đứa trẻ ấy đã góp phần làm rạng ranh ngôi trường
và khát khao được đi học luôn cháy bỏng hơn bao giờ hết.
Đến khi gấp trang cuối cùng của “Chiến binh cầu vồng” lại,
tôi nhận ra mình vẫn còn may mắn: được đi học, được no đủ, được bao bọc trong
tình yêu thương của cha mẹ. Tôi mong muốn các bạn hãy đọc cuốn sách này một lần,
để hiểu rằng có khi những tháng ngày học tập vất vả, mệt mỏi mà chúng ta muốn
nhanh chóng trôi qua … lại là ước mơ cháy bỏng của một ai đó.
Trần Thu Hiền
Không có nhận xét nào