Sự
kết hợp giữa những điều kì ảo hoang đường của thể loại “trọng sinh” với hiện thực
cuộc sống luôn luôn ẩn khuất tối tăm, “Colorful” mở ra một thế giới nghệ
thuật vừa nhiều mộng tưởng, vừa đầy méo mó.
Câu
chuyện kể về một linh hồn mang trọng tội đến mức đáng nhẽ ra không được luân hồi
bỗng nhiên được một phiên xổ số may mắn của thiên đình rơi trúng đầu và có cơ hội
tái thử thách lần nữa. Linh hồn ấy trở về nhân gian, nơi đã phạm sai lầm trước
khi xuống mồ, với sự chỉ dẫn của một thiên thần, tu hành lại từ đầu bằng cách
mượn thân xác ai đó cõi trần và “ở trọ” trong một thời gian nhất định.
Những
tưởng quá trình “tái thử thách” sẽ diễn ra suôn sẻ như những nhận định ban đầu
của linh hồn-lúc bấy
giờ đã là cậu thiếu niên Kobayashi Matoko- về gia đình “ở trọ” của mình: một
gia đình bình thường với người cha hiền lành, người mẹ cẩn trọng và người anh
trai lầm lì. Nhưng, màu hi vọng vừa mới
được vẽ ra trong những chương đầu, đã bị cái màu méo mó bẩn đục đè chèn lên
ngay sau đó. Ngay khi bữa cơm gia đình ấm áp vừa diễn ra, Purapura đã “dội” hẳn
một “gáo nước lạnh” vào linh hồn đang nương nhờ dưới thân xác Makoto, về cuộc sống
đầy những điều tồi tệ mà cậu bé Makoto trước khi chết đã phải trải qua: Nhìn thấy
mối tình đầu đi vào khách sạn với một người đàn ông lớn tuổi, cùng lúc đó thì
người mẹ mẫu mực tay trong tay cùng người thầy dạy nhảy flamenco bước ra, ông bố
lúc nào cũng hiền hòa chợt sung sướng khi cấp trên bị bắt giữ vì những hành vi
lừa đảo, một người anh lúc nào cũng quát mắng và chọc ngoáy vào nỗi đau khổ về
sự thấp bé của bản thân,…
Bằng
sự chọn lựa khôn khéo ở ngôi kể thứ nhất cùng những cảm xúc luôn len lỏi ẩn sâu
đâu đó trong từng câu chữ, Eto Mori dẫn dắt người đọc qua từng sự kiện, từng trải
nghiệm, từng lớp bóc trần với mớ xúc cảm hỗn độn trong cậu bé Kobayashi Makoto
một cách chân thực đến run sợ. Cậu đã từng căm ghét và thậm chí là khinh bỉ ra
mặt người mẹ ngoại tình, cũng không hề giấu diếm sự chán chường đến phát ngấy
khi phải đối mặt với người cha, cứ thế mà vô tình làm tổn thương đến những người
thân của mình.
Colorful
có thể xem là một hành trình mà linh hồn này tìm lại sự tha thứ cho những lỗi lầm
được giãi bày sáng tỏ. Bức thư dài tám trang của người mẹ, lời tâm sự trong một
buổi đi câu cá của cha, tiếng nghẹn ngào tức giận của người anh trai... từng
chút, từng chút một đổ vào bức tranh đang xám xịt tối đen những màu sắc kì lạ,
sắc màu của yếu đuối, màu của thấu hiểu, hay mớ màu trộn lẫn của u buồn, phiền
não, tuổi trẻ, tương lai,…
“Nếu cuộc đời là một bức tranh, thì cuộc đời của
mẹ là một bức tranh quá đỗi bình thường”
“Mẹ thường xuyên ganh tị với họ, mẹ luôn nhủ
thầm, ước gì mẹ cũng có những điều phi thường như vậy.
“Dù làm gì, mẹ cũng vụng về,
cảm thấy mình luôn thua kém mọi người, và không còn cách nào khác, mẹ lại phải
đi tìm một môn học mới. Chuyện cứ thể lặp đi lặp lại.”
Một
người mẹ đáng thương với khát khao tìm kiếm một bản thể khác phi thường hơn
“Cha đã ngăn cản họ không
biết bao nhiêu lần.”
“Bàn làm việc của cha bị
đẩy ra gần cửa sổ, cha không được giao bất kỳ công việc gì, đến mức chỉ còn nước
viết đơn xin nghỉ.”
“.. Trong hai năm trời như vậy, cha tiếp tục đi làm như một
người đã chết."
Một người cha đam mê và tử tế với công việc nhưng phải sống trong
môi trường đầy u nhọt.
“Mitsuru dự định ôn tập
lại trong vòng một năm, và sang năm sẽ thi lấy học bổng. Như thế Makoto có thể
đi học trường tư thục”
Và
một người anh nghĩ cho tương lai của em trai sau tất cả những lời châm chọc.
Những
tông màu của gia đình nhà Kobayashi dần
chuyển hóa theo từng khám phá của “Makoto”, nhưng đen chuyển thành trắng thôi
chưa đủ, mà những chuyện tưởng chừng như chỉ có một màu đơn giản, hóa ra lại ẩn
giấu vô số những mảng màu. Có thể tổn thương mà những người thân yêu đã gây nên
cho Makoto không phải là điều tồi tệ nhất, nhưng chắc chắn hơn cả tồi tệ, chính
là cậu đã cướp đi từ chính mình một cơ hội được lắng nghe những chân thành.
Nếu
chỉ là một chuỗi bất ngờ nối bất ngờ, bi thương liền bi thương, có lẽ cái tên “Colorful”
sẽ không được chuyển thể thành phim và đạt được những thành công nhất định: đoạt
giải Hoạt hình Xuất sắc của Năm tại giải thưởng Hàn lâm Nhật Bản lần thứ 34 và
giành được giải tại Liên hoan phim Hoạt hình Quốc tế Annecy năm 2011. “Colorful” còn mang đến cho người
đọc quan niệm về cõi tạm-một triết lý quen thuộc của nhà Phật. Vì chỉ xem quá trình “tái thử thách” là một lần “ở trọ”,
linh hồn dưới thân xác Makoto đã có những ngày tháng đắm chìm vào hội họa - điều mà cậu yêu quý nhất
và giỏi giang nhất - đến quên hết tất cả mọi
thứ xung quanh, bất kể kì thi chuyển cấp ngày một gần hơn.Cậu hào phóng chi
28.000 yên cho một đôi giày thể thao đang thịnh hành, khiến cho đám con trai
trong lớp phải trầm trồ, “Tuyệt
thật. Đôi giày giá bao nhiêu vậy?”. Cậu thay đổi kiểu tóc
với phần tóc mái dựng đứng giúp ăn gian đôi chút chiều cao. Cậu bất chấp mọi lời
cảnh báo của Purapura để đuổi theo
Hiroka và nắm tay cô ấy kéo đi trong mưa như một anh hùng. Dù
sau đó là những đau khổ, lẫn bẽ bàng.
Bất
kể những định kiến có vô tình gán lên người, như cách mọi người vẫn hay cho rằng
Makoto lúc trước là một cậu bé nhút nhát, khờ khạo và trói chặt cậu vào hình ảnh
đó, Makoto ở hiện
tại này đã dũng cảm đuổi theo những gì mà con tim mách bảo, mặc kệ cho đôi lúc
chắc chắn sẽ tổn thương. Tất cả mọi điều mà linh hồn thực hiện, bằng thân xác
Makoto, đều như thôi thúc người đọc một điều rằng, cuộc sống cũng chỉ là một lần
“ở trọ” của linh hồn nên chẳng việc gì phải e dè hay ngần ngại trước những ước
muốn của bản thân. Dũng cảm sống với những điều mình yêu thích, không phải lúc
nào cũng có được cái mà mình muốn có, nhưng chắc chắn sẽ có được hạnh phúc, dù
bằng cách này hay cách kia. Như Makoto còn được có cơ hội “tái thử thách” nhưng
ngoài cuộc đời thực này, liệu có cái gọi là “chết đi sống lại” không?
Kết
Có
lẽ không có cái tên nào có thể phù hợp với tác phẩm hơn là “Colorful” -
Đa màu sắc, như chính
hiện thực, như chính bản thân mỗi người đang sống trên đời này.
“Có
đen thì cũng có trắng.
Có
đỏ thì cũng có xanh và vàng.
Có
màu sáng và cũng có màu tối.
Có
màu thật đẹp, cũng có màu khó coi.
Tùy
theo từng góc độ mà ta có thể nhìn thấy sắc màu nào.”
Ở
những câu văn chân thực và gãy gọn này, cuộc sống hiện lên trọn vẹn dưới hình hài của
một chiếc kính vạn hoa. Đa màu sắc bởi đa góc nhìn. Nhìn vào những đau khổ và tổn
thương như cách con người xem một chiếc kính vạn hoa vậy, cho bản thân nhiều
hơn những cơ hội để xoay lăng kính, mọi thứ sẽ lại thay đổi, theo một cách tươi
sáng và đẹp đẽ hơn gấp vạn lần.Những yêu thương sẽ trở lại, những điều đẹp đẽ sẽ
chẳng mất đi, lòng vị tha sẽ xuất hiện và cuộc đời này sẽ lại đáng để trân trọng
hơn.
Eto
Mori không đao to búa lớn, không đanh giọng bắc loa gào bảo mọi người phải sống
thế nào, phải nhìn nhận cuộc đời ra sao. “Colorful” dưới ngòi bút của nữ
nhà văn không còn là câu chuyện của những ngôn từ sáo rỗng, mà rất đỗi sâu sắc
và nhẹ nhàng, cứ thế lan tỏa trong lòng người chút gì cay đắng, chút gì ngọt
ngào, chút gì ngẫm ngợi. Thật sự cũng không quá bất ngờ khi quyển sách nhận được
giải thưởng của Then Sankei Child Books Publishing and Culture Award lần thứ 46 và được chuyển thể thành phim điện ảnh,
phim hoạt hình và kịch truyền thanh.
Colorful,
một tác phẩm không quá dài, không quá cầu kì, cũng không đánh đố, một lần nữa
giúp bạn nhìn lại thế giới này.
Ngen
Không có nhận xét nào