Cầm trên tay cuốn sách vào một chiều
cuối tuần rảnh rỗi, nhâm nhi tách trà ấm và đọc được những dòng chữ chứa đầy cảm
xúc và hồi ức, bản thân bỗng thấy lòng chợt trùng xuống với nhiều điều đáng phải
suy ngẫm lại.
“Mẹ bị lạc đã một tuần”, câu nói mở đầu
của chương truyện đầu tiên trong cuốn sách Hãy
chăm sóc mẹ được tác giả Shin Kyung Sook sử dụng đầy tinh tế và khéo léo
đặt trước như lời thông báo, lí do cho những sự việc xảy ra tiếp theo. "Mẹ",
là bà Park So-nyo sinh năm 1938, mẹ của 4 người con, đã bị lạc ở Ga tàu điện ngầm
Seoul khi cùng chồng của mình lên thăm nhà của người con trai cả. Khi biết được
tin, những người con đều ra sức tìm kiếm bà bằng lời mô tả hình dáng và trang phục
lần cuối, từ chính tại nhà ga nơi bà bị lạc hay những địa điểm quen thuộc mà bà
có thể ghé qua, dán tờ rơi khắp nơi hay nhờ cả sự giúp đỡ từ phía cảnh sát,... Tất
cả đều nỗ lực và hi vọng sớm tìm được mẹ giữa chốn Seoul phồn hoa mà rộng lớn kia.
Hãy chăm sóc
mẹ được
viết thành các chương truyện khác nhau, là sự chắp ghép từng mảnh hồi ức rời rạc
tưởng chừng như vô nghĩa của từng người tạo
thành một nội dung hoàn chỉnh, góc nhìn đa chiều
hơn về người mẹ, người vợ của mình. Câu nói mở đầu
kia cũng chính là dòng suy nghĩ của
cô con gái lớn Chi-hon về sự việc đã xảy
ra và tình hình sau đó qua con mắt của cô.
Cũng trong khoảng thời gian đi tìm
mẹ ấy, cô đã có cơ hội được
khơi dậy lại những kí ức cũ cùng mẹ: từ những bất
đồng quan điểm dẫn đến mâu thuẫn, thiếu đi cảm
thông; từ khoảng cách thế hệ đến sự xa cách tình cảm,
cô cứ ngày một rời bỏ sự quan tâm của mẹ cho đến
một ngày, cô là người chứng kiến sự thay đổi
tiêu cực về sức khỏe của mẹ. Mối quan hệ của mẹ và con gái là như vậy còn của mẹ
với con trai chính là sự hi sinh và hi vọng. Nhờ có những dòng suy nghĩ của anh Hyung-chol, ta có dịp hiểu hơn về bà, người sẵn
sàng vất vả, tần tảo sớm hôm mặc khó nhọc để có
thể lo cho anh một cuộc sống tốt và đầy
đủ nhất, đặt hi vọng ở anh những
mong một ngày anh thành công, trở thành luật sư và chỗ dựa cho gia đình. Những dòng trăn trở,
hối hận của người chồng về những tháng ngày khổ cực của vợ, về những gian nan
hay mâu thuẫn, biến cố mà cuộc đời bà gặp phải,... khiến
ông buồn thương tới nặng lòng. Tuy nhiên, tất cả những dòng hồi ức đó chỉ được viết dưới dạng ngôi
ba số ít, tức từ phía bên ngoài, khách quan nhìn lại những hiện tượng, sự việc của
quá khứ mà không ai có thể lí giải lí do đằng
sau đấy.
Và chính những tâm tư như lời tường
thuật đầy cảm xúc qua góc nhìn của chính bà, xưng "tôi" - người mẹ bị
lạc từ một dáng hình vô định mà thấy được sự yêu thương, lòng quan tâm tới từng
người, từng sự việc đã xảy ra còn trăn trở, ta mới biết rằng phía sau những hành
động của quá khứ là những bí mật khó nói, khó giải. Sự thú nhận trong thầm lặng,
trong tâm can hay chính là sự an phận với những gì đã xảy ra của quá khứ, của dòng
tâm tưởng chập chờn đầy chắp vá của về sau, mà ở tại thời điểm bị lạc, mọi thứ bà
có thể nhớ được chỉ là kí ức hồi lên ba cùng với mẹ.
“Mẹ không nghĩ tới chuyện thích
hay không thích ở dưới bếp. Mẹ nấu nướng vì đó là việc mẹ phải làm. Mẹ phải ở
dưới bếp để nấu cơm cho các con ăn rồi đi học. Làm sao mà ta có thể chỉ làm những
việc mình thích được chứ? Có nhiều việc ta phải làm cho dù ta thích hay không.”
“Nếu chỉ làm những việc mình
thích thì ai làm những việc mình không thích đây?”
Đã có khi nào bạn nghĩ tới việc
tại sao mẹ cứ phải ở dưới bếp nấu ăn và lo cho bữa cơm gia đình không, bạn có tự
hỏi có quy định nào cho việc phụ nữ phải đảm trách việc nội trợ hay không? Cuộc
sống của chúng ta, gần như mặc định việc có cơm ăn nhờ mẹ nhưng lại chưa bao giờ
để ý kĩ hơn rằng mẹ có thực sự thích nó hay đó chỉ là nghĩa vụ mà vô hình chung
ta ràng buộc lên họ. Mẹ, người mang nặng đẻ đau ta chín tháng mười ngày, bao tháng
năm dưỡng dục chăm lo cho ta thành người, công sức như vậy mấy ai thấu hiểu được
cho. Có người, có lẽ sẽ nói bởi cuộc sống bộn bề, công việc mưu sinh vất vả hay
bởi điều gì đó mà nhất thời tạm quên đi hay bỏ qua những tâm sự, nỗi lòng hay sức
khỏe của mẹ hay người thân của họ. Từng sở thích hay tính cách, đặc điểm của
con cái có như thế nào thì mẹ đều nhớ, vậy mà đến hình ảnh mẹ mình giờ ra sao, mẹ
thích gì,... những thứ tưởng đơn giản như vậy lại không hề nhớ và biết. Cũng như
Chi-hon, Hyung-chol hay các nhân vật khác trong truyện, đến khi nhận ra và nhớ lại
thì mọi chuyện đã đi theo chiều hướng không thể lường trước và hối hận vì đã không
để ý và nhớ ra sớm hơn.
Mẹ là người sinh ta ta, cũng là
chỗ dựa tinh thần êm ái và vững chãi, đồng thời là chốn quay về cho mỗi người sau
mỗi khó khăn, vấp ngã ngoài đường đời. Chúng ta tìm tới mẹ để được nghe lời an ủi
tuy mộc mạc mà chân thành, được vỗ về bởi vòng tay chai sạn mà ấm áp. Nhờ có công
lao của mẹ mà ta được nuôi dạy khôn lớn, cũng nhờ có sự tồn tại của ta mà mẹ có
nguồn động lực sống để hi sinh và vất vả. Đằng sau sự thành công của những đứa
con, của người con cả Hyung-chol làm bất động sản, cô con gái nhà văn Chi-hon là
những nỗ lực không ngừng nghỉ, không quản ngại gian khổ mà cố gắng của người mẹ,
hay chính như chúng ta cũng vậy.
“Thói quen quả là thứ đáng sợ.
Ông thường ăn nói rất nhã nhặn với người khác, nhưng khi nói với vợ mình thì lời
lẽ của ông lại trở nên nặng nề. Đôi khi ông còn chửi rủa vợ. Ông hành động cứ
như thể có quy định rằng ông không được ăn nói lịch sự với vợ mình.”
Chúng ta đều dễ dàng đối tốt và
cư xử nhã nhặn với người khác, vì phép lịch sự tối thiểu hay vì cái tôi cá nhân,
nhưng lại khó khăn trong việc nói những lời hay ý đẹp, câu nói động viên với chính
những người thân thiết, gần gũi nhất. Cũng như “nghĩa vụ” nội trợ của mẹ, của vợ,
chúng ta lại tự cho mình "quyền" được thô lỗ hay thái độ với họ vì một
lí do: đã là ruột thịt, cần gì phải ý tứ, lịch sự.
Những suy nghĩ không chỉ của
Chi-hon về bất đồng của cô với mẹ, sự thờ ơ mà cô đã bao biện vì lí do công việc
hay của anh trai, của bố cô đều được Shin Kyung Sook lựa chọn khéo léo để miêu tả
như lời thức tỉnh mạnh mẽ, gần gũi và là minh chứng cụ thể cho thế hệ trẻ, không
chỉ riêng ở Hàn Quốc mà còn là chính chúng ta hay cả trên thế giới nên chú ý và
quan tâm sớm hơn như tựa truyện Hãy chăm sóc mẹ cũng là cụm từ chỉ xuất
hiện duy nhất một lần ở cuối truyện, sau khi mọi thứ đã xảy ra. Nó đánh vào chiều
sâu tâm thức, những hồi ức của các nhân vật trong truyện như cho ta thấy phần
nào đó ta có lẽ cũng đã từng làm như vậy với mẹ.
Đọc để thấy thấm thía, để cảm nhận
được nỗi buồn đến nao lòng mà bấy lâu nay có thể ta đã lỡ quên đi, về mối gắn bó
của các thành viên trong gia đình từ sự quên mình vì mái ấm của người mẹ, người
vợ trong xã hội bộn bề, tấp nập. Rồi nhìn lại bản thân mình, bạn đã thực sự vui
vẻ, nhiệt tình chỉ mẹ cách sử dụng điện thoại như cái cách mẹ yêu thương, tận tay
uốn nắn chỉ dạy bạn cách cầm đũa khi bạn vẫn còn nhỏ hay chưa? Khi đó bạn sẽ hiểu
không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách lại thu hút người đọc tới vậy và cũng chẳng phải
tự nhiên Shin Kyung Sook lại được coi là một trong số những tác giả nổi tiếng nhất
Hàn Quốc làm phần lớn độc giả phải rơi lệ khi đọc tác phẩm này của mình.
THANH
Không có nhận xét nào