“Tại sao em ít nói thế?” - Câu hỏi này chắc hẳn đã gây khó dễ cho không ít bạn trong các tình huống
hằng ngày. Bạn ít nói vì bạn đang mải quan sát hoặc chạy theo những dòng suy
nghĩ riêng? Bạn ít nói vì không tìm được điểm chung với mọi người? Bạn ít nói
vì ngại trước đám đông hoặc người lạ? Hay đơn giản bạn ít nói vì bạn muốn như
vậy, vì bạn cũng không biết rõ chính xác lí do của mình? Và cuốn sách này chính
là đáp án để bạn có thể hiểu rõ hơn về chính mình, để bạn có thể thấy thoải mái
vì không chỉ mình bạn có cách cư xử như vậy.
Cũng đã một thời gian
khi mà trên mạng bắt đầu rầm rộ phong trào tự cho mình là người hướng nội hay
chỉ người hướng nội mới mắc những hội chứng tâm lý rồi vin vào cớ đó để hành xử
một cách thái quá. Một người hoạt ngôn, năng nổ chưa chắc là hướng ngoại. Một
người ít nói không có nghĩa là vô cảm. Đôi khi chính những người bề ngoài tưởng
như hướng ngoại lại có những góc khuất sâu trong tâm hồn. Đôi khi bạn cũng
không hiểu vì sao sau những bữa tiệc vui vẻ thì bạn lại cảm thấy bị rút cạn sức
lực và cần ở một mình để lấy lại năng lượng. Dù ở trong trường hợp nào thì bạn
cũng nên thử đọc cuốn sách này, biết đâu có thể hiểu thêm phần nào trong con
người mình mà trước đây chưa từng chạm tới. Bởi lẽ, có những chia sẻ rằng họ đã
sống suốt một thời gian dài cho rằng mình là người hướng ngoại, thế nhưng một
sự kiện nào đó tác động lên họ hay những biểu hiện tâm lý không thể lí giải nổi
cứ rõ dần đã giúp họ nhận ra: “À thực ra
tôi là một người hướng nội hoạt ngôn” hay “À thì ra tôi là kiểu người ambivert - một nửa hướng ngoại và một nửa
hướng nội”.
Bên cạnh đó, tác giả
cũng có những chia sẻ về những kiểu người hướng nội khác như: hướng nội suy
nghĩ, hướng nội chậm chạp, hướng nội nhút nhát… Mỗi kiểu đều có những ưu nhược
điểm riêng. Và chính quan điểm của tác giả khiến tôi rất thích ở cuốn sách, đó
là: “Hướng nội hay hướng ngoại đều không
quan trọng bằng hướng thiện”. Đúng vậy, quan trọng là bạn có dám bước ra
khỏi vùng an toàn để thay đổi bản thân hay không, chứ hoàn toàn không nên vin
vào cớ vì tôi là người hướng nội nên tôi giao tiếp kém, nên người khác phải tự
mở lòng trước để hiểu tôi và vô vàn những cái chưa đúng khác ở bản thân. “Hướng nội là tính cách nhưng giao tiếp là
kĩ năng”. Chúng ta không nên đánh đồng hai khái niệm đó để ngụy biện cho
bản thân, tuy tính cách không thể thay đổi được nhưng có thể cải thiện điểm yếu
bằng cách phát triển các kĩ năng, mà một trong số ấy là kĩ năng giao tiếp. “Học
ăn, học nói, học gói, học mở” - Câu tục ngữ đã phần nào cho ta hiểu về tầm quan
trọng của giao tiếp. Nếu bạn vẫn còn hồ nghi, hãy lật những trang sách trên để
thấy rõ vai trò của nó qua các tình huống thực tế đời thường. Có rất nhiều các
chia sẻ đã được tác giả tổng hợp lại và chia thành các chủ đề lớn như: trong
công việc, trong tình yêu, trong các bữa tiệc… Có thể nó không hoàn toàn phù
hợp với bạn nhưng nó giúp bạn tìm ra cách tốt nhất cho riêng mình.
Thực ra, chẳng có ai
hướng nội hay hướng ngoại hoàn toàn cả, chỉ là bạn có thiên hướng theo kiểu
tính cách nào mà thôi, và đôi khi, nó là cả hai. Cũng có thể bạn đã đọc rất
nhiều để tìm ra bản chất thực sự trong con người mình, cũng có thể cuốn sách
này không có gì mới mẻ với bạn nhưng nó tổng hợp lại khá đầy đủ và đa dạng các
vấn đề mà bạn nên chiêm nghiệm. Cá nhân mình thì đánh giá cuốn này khá ổn và
đầy đủ.
Thanh Hà
Không có nhận xét nào